Với những gia có đình có trẻ nhỏ, chứng khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh luôn là “nỗi ám ảnh không có lối thoát”. Tuy nhiên, nếu bạn trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết về chúng bệnh này, tất cả sẽ nằm trong tầm kiểm soát của bạn.
Khóc dạ đề hay còn gọi là khóc dã tràng là từ dân gian hay chỉ việc những em bé nhỏ tự nhiên khóc rất dữ vào một thời điểm cố định trong ngày, khóc nhiều ngày như vậy mà không cách gì cha mẹ, người lớn trong nhà có thể dỗ nín được. Theo dân gian, em bé một khi đã khóc dã tràng thì sẽ khóc cho đến ngày thứ 100 mới thôi.
Khóc dạ đề là gì?
Không ai thật sự biết khóc dạ đề là gì. Đây không phải là một bệnh hay chẩn đoán mà bác sĩ đưa ra. Thật ra, gia đình sẽ tự hiểu rằng em bé nhà mình đang “bị” khóc dạ đề khi thấy có sự kết hợp của các yếu tố sau: Bé đang ở độ tuổi từ 3 tuần đến 3 tháng, mỗi lần bé khóc khoảng tầm 3 tiếng đồng hồ mới thôi, một tuần như vậy bé khóc ít nhất 3 lần (nhưng thường là đêm nào cũng khóc) và kéo dài 3 tuần trở lên.
Hầu hết các bé sẽ khóc vào khoảng chiều tối, ngày nào cũng đúng giờ đó sẽ khóc. Tiếng khóc rất lớn, liên tục, nghe như tiếng hét. Mỗi khi khóc, bé sẽ co chân vào người, nắm chặt hai bàn tay và co bụng. Có bé thì xì hơi, có bé thì ợ trớ. Nếu khóc dữ quá, mặt bé sẽ đỏ cả lên.
Nguyên nhân của khóc dạ đề?
Có đến khoảng 20% em bé ở độ tuổi 3 tuần đến 3 tháng khóc dạ đề. Tuy vậy, đây vẫn là một bí ẩn. Các chuyên gia cho biết đây không phải là kết quả của di truyền hay bất thường gì xảy ra trong quá trình mang thai hay phát triển của bé. Một số giả thiết được đưa ra nhằm giải thích việc này:
- Kích thích quá mức: Các chuyên gia giải thích rằng, bé sơ sinh có khả năng xây dựng cho mình một cơ chế bảo vệ, giúp bé “tắt đi” không tiếp nhận âm thanh và áng sáng ở môi trường xung quanh quá nhiều. Môi trường như vậy gần giống như lúc bé ở trong bụng mẹ, bé sẽ ăn được, ngủ được. Nhưng sau khoảng 1 tháng, khi giác quan dần hoàn thiện sẽ khiến bé bị quá tải với các kích thích từ môi trường. Để giải tỏa những căng thẳng này, bé sẽ khóc và khóc và khóc mãi… cho đến khi bé thích nghi và quen dần với những gì mà giác quan của mình đem lại.
- Trào ngược: Một số bé hay ợ trớ, ăn kém và thường khó chịu trong khi đang ăn hoặc sau khi ăn. Đây là biểu hiện của chứng trào ngược dạ dày, thực quản, xảy ra ở em bé khi cơ thắt tại thực quản chưa hoạt động hiệu quả. Đây cũng được lý giải như một nguyên nhân gây ra khóc dạ đề.
- Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện: Khi mới sinh, để tiêu hóa được các loại thức ăn, dù chỉ là sữa mẹ đi chăng nữa, cũng là một nhiệm vụ khó khăn cho bé. Thức ăn có thể đi rất nhanh qua ruột mà không được tiêu hóa hoàn toàn. Kết quả là bé sẽ bị đau vì có quá nhiều khí sinh ra. Bé khóc mỗi khi xì hơi, đau bụng.
- Dị ứng thức ăn: Bé có thể phản ứng lại với protein trong sữa mẹ hoặc sữa công thức. Một số bé bú mẹ có thể dị ứng với một số món ăn trong khẩu phần của mẹ. Không dung nạp lactose, một loại đường có trong sữa, cũng là nguyên nhân thường gây khó chịu ở trẻ nhỏ.
- Mẹ hút thuốc lá: Một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mẹ hút thuốc lá có con khóc dạ đề cao hơn các mẹ không hút thuốc. Hút thuốc lá thụ động cũng làm tăng khả năng bé khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh.
Làm sao để bé không khóc dạ đề?
Thật không dễ để dỗ dành khi bé đang khóc thét lên. Tuy nhiên mẹ có thể tìm hiểu một số cách giúp phòng ngừa lần khóc tiếp theo cũng như giúp bé khóc ít hơn. Chú ý rằng, việc sử dụng bất kỳ loại thảo dược nào hay thay đổi nhiều trong khẩu phần ăn của mẹ cần được thông qua tư vấn của bác sĩ.
Một vài mẹo hữu ích cho mẹ
1. Nếu trẻ đang bú mẹ thì theo dõi chế độ ăn uống: Mẹ có thể để ý một số thực phẩm gây khó chịu cho bé như: rau họ cải (bắp cải, súp lơ), sô-cô-la, các thực phẩm gây dị ứng như sữa, đậu nành, lúa mạch, trứng, đậu phộng, cá. Không phải mẹ cần kiêng hết các loại thực phẩm này, chỉ cần để ý nếu mẹ ăn loại thực phẩm đó mà bé khóc nhiều thì rất có thể bé bị dị ứng hoặc không quen với loại thức ăn này. Mẹ có thể chuyển sang loại thực phẩm khác có thành phần dinh dưỡng tương tự để không bị thiếu chất khi nuôi con.
2. Nếu bé đang uống sữa công thức mẹ nên thử đổi loại sữa có công thức khác: Bé có thể chỉ uống được sữa mẹ. Một số loại sữa có thành phần protein sẽ gây dị ứng cho bé như protein trong sữa bò. Tuy nhiên, chưa có nhiều bằng chứng cho việc sữa có thành phần ít gây dị ứng sẽ làm bé dễ chịu hơn.
3. Cân nhắc sử dụng men vi sinh theo tư vấn bác sĩ: Một số em bé giảm bớt những cơn khóc đêm khi được cho dùng men vi sinh giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa của bé. Một số loại sữa đã có sẵn men vi sinh trong công thức.
4. Dùng thảo dược: Nghiên cứu cho thấy một số loại thảo dược như cây thì là giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Mẹ cần nhớ rằng, dù là cây cỏ nhưng chưa chắc tất cả các loại thảo mộc đều an toàn với bé. Vì vậy, mẹ cần thận trọng và tốt nhất là hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng phương pháp này.
5. Massage cho bé: Mẹ không cần phải lo lắng về việc phải massage thế nào mới làm bé bớt khóc. Đơn giản là sợi dây liên kết mẹ và bé sẽ làm phần việc của nó. Mẹ chỉ cần đặt bé nằm trên bụng mình, nhẹ nhàng massage lưng cho bé, rồi đến tay, chân, bụng. Các mẹ còn có thể tranh thủ nhờ các ông bố massage cho mình trong lúc đó.
6. Tăng vận động cho bé: Một số bé sẽ được giải tỏa căng thẳng khi vận động nhiều hơn. Mẹ có thể tìm hiểu các hoạt động phù hợp với độ tuổi của bé, hoặc đơn giản là nhảy múa, lắc lư cùng bé, đẩy xe bé đi vòng quanh nhà.
7. Ủ ấm: Bé sơ sinh dễ bị hạ thân nhiệt. Ủ ấm không chỉ làm bé cảm thấy dễ chịu mà còn giúp bé cảm thấy được an toàn. Tuy nhiên, khi thời tiết nóng nực, đây không phải là lựa chọn phù hợp.
8. Tạo âm thanh nền: Một tiếng động nhẹ nhẹ lặp đi lặp lại sẽ giúp trấn an khi bé cáu kỉnh. Đó có thể là tiếng tủ lạnh hoặc tiếng quạt đều đều…
9. Chơi nhạc êm dịu: các bé sẽ bớt khóc khi nghe các giai điệu êm dịu như các bài hát ru. Bé sơ sinh còn thích cả các âm thanh của thiên nhiên. Mẹ hãy thử nghiệm các loại âm thanh khác nhau để tìm ra sở thích của bé nhé.
10. Tạo áp lực lên bụng bé: một số bé sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi được đặt nằm sấp và chà sát nhẹ lên lưng.
11. Tạo không khí êm dịu: Tắt bớt đèn, giảm bớt tiếng ồn xung quanh sẽ giúp bé thư giãn, bớt bị kích thích.
12. Không để bé phải tiếp xúc với khói thuốc lá. Đây có thể là yếu tố kích hoạt một cơn khóc dạ đề dai dẳng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét