Hãy tạo một mối liên hệ giữa bạn và con thông qua những câu chuyện cổ tích, hoa thân vào các nhân vật để bay vào ước mơ cùng bé thông qua những câu chuyện kể bạn nhé!
Kể chuyện, đọc sách cho con nghe trước khi ngủ là một trong những cách tốt nhất tăng cường mối quan hệ, tình cảm giữa ba mẹ và con cái. Việc này cũng giúp trẻ rèn luyện kỹ năng biết lắng nghe người khác và tư duy nhận xét một sự vật, sự việc nào đó. Điều đó sẽ càng tốt hơn nếu bạn không để nó nhàm chán, sáo rỗng mà biết biến hóa cho câu chuyện đầy màu sắc hơn.
Bạn không cần có giọng đọc quá truyền cảm hay cách diễn xuất tuyệt vời như một diễn viên kịch thì con bạn mới cảm thấy hứng thú với câu chuyện. Chỉ cần làm theo 7 bước đơn giản sau đây, bạn sẽ trở thành một người kể chuyện đại tài, xuất chúng trong lòng các thiên thần nhỏ.
1. Luôn luôn chuẩn bị nhiều sách, truyện
Bạn nên thường xuyên bổ sung sách, truyện mới vào kho sách kể chuyện bé nghe. Mỗi đêm, bạn nên đưa ra 3-5 cuốn sách cho bé lựa chọn, bao gồm sách bé yêu thích và sách bé có thể quan tâm. Điều này làm bé hứng thú hơn với câu chuyện hàng đêm vì đó chính là sự lựa chọn của bé.
2. Tạo không gian ấm cúng
Hãy chắc chắn rằng, lúc kể chuyện là lúc con bạn đã tắm rửa, vệ sinh răng miệng, mặc đồ ngủ, nằm trên giường và sẵn sàng đi vào giấc ngủ. Bạn tạo môi trường thư giãn, thoải mái bằng cách đóng rèm cửa, chỉ bật đèn ngủ để giảm cường độ ánh sáng. Không gian đó chỉ có bạn, trẻ và những câu chuyện đầy màu sắc.
3. Giới thiệu cuốn sách
Trước khi bắt đầu kể chuyện, bạn nên giới thiệu đôi điều về cuốn sách, về câu chuyện mà bạn nghĩ trẻ có thể quan tâm, mong đợi. Ví dụ: “Con quái vật bắt cóc công chúa, hãy đọc câu chuyện để biết ai sẽ cứu nàng”. Điều này sẽ làm con bạn tò mò và lắng nghe từng chi tiết câu chuyện cho đến hết.
4. Làm cho câu chuyện trở nên ngắn gọn và ngọt ngào hơn
Không phải sách nào, câu chuyện nào cũng đơn giản, làm trẻ dễ hiểu. Đối với những quyển sách, câu chuyện quá dài, phức tạp bạn nên đơn giản hóa nó đi bằng cách sử dụng câu chữ của chính bạn sao cho con dễ hiểu nhất, thư giãn một cách trọn vẹn. Nếu khéo léo, bạn có thể biến một câu chuyện khô khan trở nên ngọt ngào hơn trong tâm trí trẻ.
5. Sách có nhiều ảnh
Bạn nên chọn sách cho trẻ loại có nhiều hình ảnh. Điều này đặc biệt hữu ích cho trẻ chưa đi học, chưa đọc được chữ. Bạn ôm trẻ vào lòng, vừa kể chuyện vừa chỉ tay vào hình ảnh minh họa. Hình ảnh giúp trẻ dễ hình dung và theo dõi câu chuyện, tăng tính tưởng tượng, tăng khả năng sáng tạo sau này của trẻ.
6. Giả giọng nói
Những câu chuyện cho trẻ em thường là các cuộc phiêu lưu kỳ thú với những nhân vật thú vị. Vì vậy, hãy để trẻ cảm thấy như đang sống trong câu chuyện với những nhân vật do bạn giả giọng các câu thoại.
Bạn diễn đạt khóc như một đứa trẻ hay hót lảnh lót như một chú chim ở những đoạn thích hợp. Nếu vậy, con bạn dễ nắm bắt câu chuyện hơn bằng cách lắng nghe giọng nói sống động của bạn. Nếu giả không giống, bạn chỉ cần làm sao cho bé phân biệt được giọng nào là của nhân vật nào.
7. Đặt câu hỏi
Nếu kết thúc câu chuyện mà con bạn chưa quá buồn ngủ thì có thể hỏi trẻ xem có thắc mắc gì không, nếu có bạn giải đáp hết các thắc mắc đó. Và ngược lại, bạn cũng nên đặt một vài câu hỏi cho trẻ xoay quanh câu chuyện vừa kể.
Chẳng hạn: “Con nghĩ gì về hoàng tử trong câu chuyện?”, hoặc “Con yêu thích nhân vật nào nhất trong câu chuyện, vì sao?”… Những câu hỏi này giúp bạn nắm bắt tâm lý trẻ tốt hơn cũng như khuyến khích, định hướng con trẻ có những suy nghĩ, nhận định đúng đắn về câu chuyện cũng như sự vật, sự việc trong cuộc sống.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét