Từ việc sử dụng các loại thuốc và hóa chất độc hại để diệt muỗi, nhiều gia đình trong vùng dịch chuyển sang sử dụng cây sinh thái có khả năng xua muỗi. Các chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết và sử dụng cây có khả năng xua muỗi an toàn.
Theo TS Phạm Thị Khoa, Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư, người chuyên nghiên cứu hóa chất, tinh chất đuổi côn trùng, hiện có rất nhiều hóa chất diệt muỗi bán tràn lan trên thị trường. Nếu người dân sử dụng bừa bãi sẽ gây nên các nguy cơ như muỗi kháng thuốc, con người nhiễm hóa chất độc hại ảnh hưởng sức khỏe ngay chính trong nhà mình… Vì thế, người dân sử dụng một số cây để xua muỗi là điều nên làm. Tuy nhiên cần một số hiểu biết để ứng dụng cây được tốt nhất.
TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho rằng, để phân biệt cây có khả năng đuổi muỗi hay không, người dân có thể dựa vào quan sát. Cây có khả năng đuổi muỗi thì côn trùng không bâu vào hay đến gần. Trường hợp, rung cây thấy muỗi hay ruồi, côn trùng bay ra chứng tỏ cây không có tác dụng.
Theo các nghiên cứu của TS Phạm Thị Khoa cho thấy, hiện nay có một số cây có khả năng xua muỗi như loài hoa cúc, cây sả, cây mần tưới, cây ngũ gia bì. Và ngay cả các loài vỏ cam, chanh… cũng có khả năng trên. Cụ thể, các loài cây thuộc họ hoa cúc như hoa cúc đại đóa, hoa cúc dại… đều có tinh chất thuộc nhóm pyrethroid. Chất này đã được nhiều hãng hóa chất nghiên cứu và chiết xuất để tạo nên thuốc diệt muỗi và côn trùng. Cây sả ngoài tác dụng xua muỗi còn có khả năng xua côn trùng và ngăn rắn vào nhà. Cây mần tưới chứa tinh chất có khả năng diệt các loài mạt, rận và xua đuổi muỗi. Riêng cây ngũ gia bì ngoài tác dụng đuổi muỗi còn có thể dùng để nấu canh hay làm cây cảnh trong nhà. “Cây có tác dụng xua muỗi nhờ tinh chất có trong cành, lá của cây. Vì thế, để phát huy khả năng trên cần trồng gần cửa sổ, cửa ra vào hoặc trồng trong nhà. Tốt nhất nên chế biến lá cây để tăng khả năng trên”, TS Phạm Thị Khoa nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng hướng dẫn cách chế biến như sau: Các loài hoa, lá nên vò dập, cho vào túi lưới treo tại các góc trong nhà. Ngoài ra, có thể hái lá, phơi khô, xay nhỏ trộn lẫn mụn cưa làm hương muỗi, hoặc phơi lá khô, xông đốt để khói bay vào nhà đuổi muỗi ra. Với các cách làm này, tùy vào sức lan tỏa có thể xua muỗi vào nhà khoảng 1 tuần/ lần, sau đó thay bằng lượt lá mới.
TS Phạm Thị Khoa hướng dẫn vò lá cây ngũ gia bì để có khả năng đuổi muỗi để phong chong sot xuat huyet
Cho muối vào nước để diệt bọ gậy
Các chuyên gia về côn trùng cũng khuyến cáo, trồng cây xua muỗi chỉ là cách làm hỗ trợ. Bản thân mỗi gia đình phải bảo vệ mình bằng cách tiêu diệt nguồn muỗi đẻ trứng. Có thể áp dụng một số mẹo vặt sau để tiêu diệt nguồn bọ gậy. Ví dụ, dựa vào tính thích nghi của bọ gậy là chỉ sống trong môi trường nước có độ pH, độ mặn nhất định. Do đó, bể chứa nước, bình cắm hoa không thể đổ nước để tránh bọ gây sinh sôi… nên cho thêm một ít muối ăn. Muối sẽ làm tăng độ mặn của nước khiến bọ gậy không thể sinh sản và chết.
Đối với các mương, cống thoát nước gần nhà không có nắp, để tiêu diệt bọ gậy người dân nên rắc vôi bột xuống mương. Vôi sẽ làm độ pH trong nước thay đổi khiến bọ gậy chết. TS Phạm Thị Khoa cũng nêu ra một yếu tố mà hiện nay nhiều gia đình ở thành phố chưa chú ý đó chính là phần máng và ống dẫn nước điều hòa. Theo vị chuyên gia này, qua các khảo sát, vị trí này có rất nhiều trứng muỗi, trong đó có trứng muỗi gây benh sot xuat huyet. Trứng của loài muỗi nước sạch này có màng dầy, khả năng chịu nhiệt cao nên có thể sống sót qua mùa hè. Vì thế, phải đặt máng dốc và ống thoát nước điều hòa thẳng xuống sàn thoát để tránh đọng nước. Điều này cũng nên áp dụng tương tự với các loại máng nước, ống thông nước khác trong nhà.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét